Chương trình đào tạo với nhiều điểm khác biệt

Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang làm thay đổi nhanh chóng nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí truyền thông. Xu hướng chuyển đổi của ngành báo chí truyền thông cũng đã đặt ra bài toán về nguồn nhân lực, đòi hỏi chương trình giáo dục đại học cũng cần phải thay đổi theo.

Nắm bắt xu thế trên, năm 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT đã tiên phong mở ngành báo chí theo định hướng công nghệ số, với những thay đổi lớn trong nội dung và cách thức đào tạo. Sinh viên được học khối kiến thức thuộc 3 nhóm ngành là báo chí, công nghệ và thiết kế. Trong đó, công nghệ được xác định là nền tảng, trụ cột của báo chí. Các học phần về báo chí dữ liệu, công cụ xử lý hiệu ứng trong báo chí số, thu thập và xử lý dữ liệu báo chí số; công nghệ AI trong phân tích dữ liệu báo chí số... lần đầu được đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tại Việt Nam.

Các sinh viên theo học ngành này còn được học và thực hành trên các nền tảng công nghệ số, tham gia vận hành tòa soạn báo chí số với sự hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm và những nhà báo uy tín. Giáo trình giảng dạy được đổi mới liên tục theo sự thay đổi của công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Sinh viên sẽ được tiếp cận các công nghệ mới đang được áp dụng trong thực tiễn.

Nhận thức rõ môi trường học tập chất lượng cao là chìa khóa để phát triển tài năng, PTIT đã đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất. Phòng lab và studio của trường được thiết kế để sinh viên có thể thực hành, trải nghiệm với các công nghệ mới như AI, blockchain, metaverse…

Ngoài ra, trong chương trình đào tạo tại PTIT, sinh viên không chỉ nắm vững khối kiến thức chuyên ngành mà còn được tham gia đầy đủ các học phần kỹ năng mềm để trở thành một công dân toàn cầu.

Nhiều triển vọng nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí tại PTIT được đào tạo thành thạo kỹ năng số và có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm như: Phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn, các đài phát thanh - truyền hình, nhà xuất bản; Thiết kế sản phẩm, phân tích dữ liệu báo chí số; Quản lý các dự án báo chí thông tấn trong các tòa soạn; Quan hệ báo chí của tập đoàn, công ty; Quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí của PTIT cũng có thể tham gia các chương trình đào tạo chuyển đổi, bổ sung kiến thức chuyên ngành gần khác để theo học các chương trình đào tạo văn bằng kép hoặc học tiếp ở các bậc cao hơn.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Phụ trách Khoa Đa phương tiện của PTIT cho hay: “Việc đào tạo “chéo sân” sẽ giúp học viện tận dụng tối đa “chất xám công nghệ”, đồng thời mở ra nhiều đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí tại Việt Nam. Mục tiêu của chương trình, ngoài cung ứng nguồn nhân lực báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, sinh viên còn có kiến thức, kĩ năng về báo chí, công nghệ số và quản trị dữ liệu nội dung, có năng lực thích ứng nhanh với các môi trường làm việc khác nhau, trong bối cảnh công nghệ số liên tục thay đổi”.

Ngành báo chí tại PTIT mang đến cơ hội học tập và lấy bằng cử nhân báo chí cho học sinh đang theo học cả các khối tự nhiên và xã hội trong cả nước. Học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đạt các yêu cầu đầu vào trong kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy với tổ hợp xét tuyển A00, D01, A01 hoặc các phương án xét tuyển riêng của PTIT đều có thể dự tuyển.

Hoàng Ly